14/06/2019 13:08
“Không chỉ giỏi xoang, hát hay mà còn biết đánh chiêng, đánh trống. Chỉ dạy cho bọn trẻ thì càng hăng say, nhiệt tình ” – Đó là lời nhận xét của già A Thuih – người làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà – về nữ nghệ nhân Y Yel ở đây. Họ là hai cá nhân trong số các Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh đã được tôn vinh.
Tiếng cồng chiêng rộn rã ngân vang, những vòng xoang dập dìu… Nhìn các cháu say sưa trong đêm hội làng, bà Y Yel cười vui. Đứng ngoài, bà chốc chốc lại nhún nhảy theo điệu chiêng; có khi, còn đưa tay như bắt nhịp. Những âm thanh ấy, động tác, dáng vẻ ấy… đã quen thuộc quá, nhắm mắt lại, vẫn như in trong hình dung của bà. Cứ tính xem, từ lúc 12, 13 tuổi cho đến giờ đã ngoài 60 là bấy nhiêu năm người phụ nữ này gắn bó.
Được mẹ sinh ra nơi làng cũ, nhưng gần hết những năm tháng tuổi thơ bà Y Yel đã gắn bó với Kon Trang Long Loi thân thương cho đến bây giờ. Hồn nhiên, trong sáng, cô bé Y Yel hay cười từ bé đã theo bà theo mẹ “đi” xoang. Sau này, lứa cô dì của Y Yel cũng cùng điệu tay nhịp bước.
Yêu xoang, múa đẹp, lớn lên đôi chút, cô bé Y Yel còn mê dân ca và cả tiếng chiêng tiếng trống. Còn nhớ, bài dân ca đầu tiên Y Yel hát, là bài “ru con”: “Về lại đi con, đừng có khóc, để cha đi câu cá. Đừng có khóc. Đừng theo cha nào. Lặng im con nhé, mình tắm nước sông. Con đừng khóc nữa, mình tắm nước giọt…”.
Lời dân ca đơn sơ, giản dị, như chính tiếng nói của người Rơ Ngao (Ba Na) vậy. Bà Y Yel bảo rằng, những bài dân ca của người Rơ Ngao tuy không nhiều, nhưng đều rất hay, tình cảm, sâu lắng. Từ giai điệu của một bài, có thể đặt thêm những lời hát khác, để nói hộ tâm tư, tình cảm của con người. Dân ca vì thế càng phong phú hơn và thêm lan tỏa.
|
Nhiều năm đã trôi qua, giọng hát của của cô gái Y Yel ngày nào giờ đã khác, nhưng cái nét cao thanh, trong trẻo ấy thì vẫn như cái nắng cái gió theo lên. Cho dù lam lũ, vất vả đến đâu, nhưng hễ nghe trống nghe chiêng, bước chân lại nhịp nhàng, uyển chuyển. Và từng giai điệu dân ca dạt dào, thấm đẫm trong tâm hồn là tiếng lòng của những con người hiền hòa, chân chất… luôn muốn cất lên.
Nhiều năm gắn bó với đội nghệ nhân của làng, bà Y Yel không chỉ tham gia hầu hết các lễ hội, sinh hoạt văn nghệ trong làng và hoạt động, sự kiện văn hóa do các cấp ngành tổ chức; mà còn là hạt nhân chỉ dạy xoang, hát dân ca cho lớp con cháu ở khu dân cư.
“Bọn trẻ bây giờ vẫn thích và còn yêu điệu xoang lắm. Thêm ở nhà trường được thầy cô dạy bảo, nên luôn hăng hái tham gia học múa và tập luyện.” – bà Y Yel chia sẻ.
Từ mấy động tác nhón chân, nhún người, đưa tay cơ bản, bà đã linh hoạt “chế” ra nhiều động tác phong phú, đẹp mắt; mang ý mô phỏng hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của con người. Theo bà, đã có sẵn bài, song quan trọng là cần siêng năng tập luyện thì mới thực sự “nhập tâm”, mới đều, mới đẹp; chứ không thể mỗi người một kiểu một “phách” làm ảnh hưởng đến đội hình chung.
Đặc biệt, theo xu thế giao thoa và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, bà Y Yel đã mạnh dạn đi đầu làm quen với cồng chiêng và cả trống. Trong bộ cồng chiêng cổ truyền 11 chiếc của người Rơ Ngao, bà có thể tự tin chơi ở một vài vị trí.
Ngày trước, phụ nữ Rơ Ngao chỉ quen với xoang, dân ca, siêng năng dệt vải; tuyệt nhiên không phù hợp với trống bởi trống cồng kềnh, phải mang nặng không dễ dàng cho việc di chuyển. Đó còn chưa kể mang trống khiến to vai, ưỡn người, không đẹp dáng.
Bỏ qua tất cả quan niệm cũ của phụ nữ với trống, bà Y Yel đã tự học, tập luyện để thành thạo đánh trống cỡ vừa. Gương mặt rạng rỡ và những động tác gõ trống chuẩn xác của bà trong lễ hội để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người.
“Cồng chiêng, đàn, trống, ngày trước chỉ dành riêng cho đàn ông. Bây giờ nếu thích nếu yêu thì có gì mà phụ nữ không làm được…” – bà Y Yel nhìn nhận. Theo bà, mình đi đầu đánh trống, gõ chiêng thì sẽ lại có các con gái, cháu gái đi theo mình. Truyền thống của ông bà giờ có thêm nét mới.
Nhiều năm đi đầu tham gia biểu diễn và truyền dạy xoang, chiêng, dân ca ở Kon Trang Long Loi, bà Y Yel càng thêm vui và hạnh phúc vì trong gia đình, ông A Diêu chồng bà cũng là một hạt nhân cồng chiêng tích cực. Ông bà thường cùng nhau đi tập, đi sinh hoạt, đi diễn…
Bà Y Yel và bà con rất phấn khởi vì làng Long Loi không chỉ tự hào có nhiều Nghệ nhân Ưu tú, mà nhờ nỗ lực của họ, dòng chảy văn hóa truyền thống vẫn lặng lẽ lan tỏa.
THANH NHƯ