Nhộn nhịp làng chài giữa vùng cao nguyên đầy nắng và gió miền biên giới

64
Vẻn vẹn chỉ 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống giữa mênh mông lòng hồ thủy điện Sê San 4, từ một vài người đến nuôi và bắt cá mưu sinh, thì nay nơi này trở nên nhộn nhịp như một làng chài giữa vùng cao nguyên đầy nắng và gió miền biên giới. Lòng hồ ấy thuộc phần thượng của lưu vực sông, nơi tích nước hồ chứa thủy điện thuộc vùng biên của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và giáp với Campuchia.

Theo báo Biên phòng, chiếm số đông ở làng chài này vẫn là cư dân các tỉnh miền Tây, dân miền sông nước. Có đến 14 hộ trong làng đến từ An Giang, Long An, Cà Mau… Và mỗi người một quê, nhưng cùng chung phận mưu sinh xứ người. Tất cả những người dân hợp thành một xóm nổi lênh đênh trên lòng hồ này sống đều nhờ vào nguồn tôm, cá, ốc, hến mà con nước đục ngầu bùn của dòng sông mang lại.

Hàng chục năm trời, 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sống hòa hợp với nhau, cùng dựa vào thiên nhiên để tồn tại; những con thuyền được coi là mái nhà của họ mấy chục năm qua. Đã có bao nhiêu con người sinh ra, lớn lên, gắn bó cả cuộc đời mình trên những chiếc thuyền, trôi nổi khắp các con sông, đập nước, xem con thuyền là nhà, sông nước là quê hương. Nghề chài lưới chỉ giúp họ tìm được con tôm, con cá trang trải cho cuộc sống hằng ngày nhưng chẳng đủ và cứ thế, nghèo khó nối tiếp nghèo khó, họ không thể tự quyết định được cuộc sống của mình.

Nhộn nhịp làng chài giữa vùng cao nguyên đầy nắng và gió miền biên giới
Những lồng bè nuôi cá của cư dân xóm lòng hồ. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Cuộc sống lênh đênh vô định và đầy khốn khó tưởng chừng kéo dài mãi, nhưng đến năm 2014, những cư dân của xóm lòng hồ này đánh bạo viết đơn gửi lên UBND xã xin cấp hộ khẩu thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum, thuộc địa phận xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.

Dùng dằng mãi, nhưng rồi đầu năm 2018, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng sau khi đi thăm và tìm hiểu cuộc sống của những hộ dân ở làng chài này, ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương nhập khẩu, cấp đất ở, tạo điều kiện cho dân làng chài lên bờ, cho con cái họ học hành. Và làng chài ấy giờ đây đã được định danh, có “địa vị” đàng hoàng và thuộc thôn 7, xã Ia Tơi.

Để tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống, có kế sinh nhai, UBND huyện Ia H’Drai cũng đã hỗ trợ 100% giống, 50% thức ăn và kỹ thuật chăm sóc cho 14/24 hộ về dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sê San 4; chủ yếu là cá diêu hồng với 15.000 con, cá thác lác cườm với 4.000 con, cá lăng với 6.000 con.

Anh Nguyễn Thành Nhân, cư dân của làng chài vui mừng khôn xiết, vì tưởng những phận đời vô gia cư như anh chỉ biết quẩn quanh trên lòng hồ, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, những cư dân làng chài đã được cấp sổ hộ khẩu, 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để dựng nhà trên bờ, có điện lưới quốc gia kéo về từng nhà, cuộc sống đổi thay chóng mặt.

Nhộn nhịp làng chài giữa vùng cao nguyên đầy nắng và gió miền biên giới
Nhiều cư dân xóm lòng hồ đã thích ứng rất nhanh, vừa nuôi cá lồng bè vừa làm dịch vụ du lịch. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Bây giờ, xóm lòng hồ này chỉ cách bờ sông vài trăm mét, đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống. Khi ấy, lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày dong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng trở về neo bến để lên nhà. Quanh nhà, họ thả gà, vịt hay nuôi bầy heo nhỏ để cải thiện. Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại cùng chia sẻ về con nước lòng hồ, về bầy cá đang nuôi trong lồng bè của mình, nói về những dự định tương lai hay cùng nhâm nhi ly rượu để xua tan đi bao mệt nhọc của một ngày mưu sinh vất vả.

Đời sống của những hộ dân làng chài xưa giờ đã khác. Nhiều hộ dân vừa đánh bắt, chế biến cá, lại vừa làm dịch vụ du lịch. Ông Nguyễn Phú An, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Chính quyền địa phương đề xuất cấp trên cải tạo bến cá, đưa ra giải pháp phát triển thành khu du lịch bài bản và cụ thể hơn để thay đổi đời sống của người dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng thành lập hợp tác xã nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân về kỹ thuật, đầu ra đối với những loài thủy hải sản được nuôi trong lòng hồ như cá trắm, diêu hồng, cá cơm, cá thác lác…”.

Bây giờ, thu nhập của người dân lòng hồ đã khá hơn, trẻ con được đi học đầy đủ. Cuộc sống nghèo khó với những câu hò buồn của phương Nam trên lòng hồ giờ đã trở thành dĩ vãng. Thế hệ công dân mới xác định lòng hồ thủy điện Sê San 4 là quê hương mới và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bình Yên

https://thoidai.com.vn/nhon-nhip-lang-chai-giua-vung-cao-nguyen-day-nang-va-gio-mien-bien-gioi-169584.html