Gần 35 năm rời quê hương Thanh Hóa vào sinh sống trên mảnh đất huyện Đăk Hà (Kon Tum), đồng bào người Thái đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Bên cạnh việc tạo lập sự nghiệp, tạo dựng cuộc sống mới, người Thái ở Đăk Hà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân dân tộc mình, luôn hướng về nguồn cội.
Người Thái ở thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà (Kon Tum) biểu diễn khua luống vào mỗi dịp lễ, Tết
Tên gọi thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà (Kon Tum) gắn với quê hương Thanh Hóa và Đập mùa Xuân, nghĩa khác là mùa Xuân tươi trẻ. Những người ở thôn Thanh Xuân là người có cuộc sống tươi tắn, trẻ trung. Họ là những chàng trai, cô gái Thái giỏi làm lụng, siêng năng, khéo léo, sống lạc quan, thích làm đẹp và yêu cái đẹp.
Một ngày đầu Xuân, khi trời đất Đăk Hà ngập tràn những chồi non lộc biếc, tôi may mắn được gặp ông Hà Văn Thơi, người có khả năng thổi kèn bè hay nhất, nhì làng Thái tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk. Đã gần 35 mùa Xuân gắn bó với vùng đất Đăk Hà, chưa lần nào đón Tết mà thiếu đi tiếng kèn bè mà cha ông đã dạy để thổi trong mùa Lễ hội, đón Tết tại quê hương Quan Sơn, Thanh Hóa.
Nhấp ngụm nước lá vối, ông kể: Ngày xưa khi còn nhỏ, nhìn các thanh niên trong xóm thổi kèn bè cho các chị, các mẹ múa xòe, nhảy sạp, ông thích lắm. Được cha dạy cho cách thổi kèn, ông tiếp thu rất nhanh. Tiếng kèn bè lúc réo rắt, lúc trầm, lúc bổng của ông đã làm say mê bao thiếu nữ lúc ấy. Rồi ông xung phong đi làm kinh tế ở Tây Nguyên, đến với vùng đất Đăk Hà những ngày đầu còn hoang sơ. Phần do bỡ ngỡ với vùng đất mới, phần do kinh tế còn nhiều khó khăn, nên bản thân ông chưa bao giờ hết nguôi ngoai nỗi nhớ về quê hương, nguồn gốc của mình.
“Khi mới vào thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào củ mỳ, củ sắn. Dần dà, được sự giúp đỡ của anh em người Xơ Đăng tại chỗ (thuộc thôn 8, xã Đăk Ui bây giờ) giúp đỡ, cho đất canh tác, cho thêm con gà, con heo để nuôi. Nhiều người còn kết nghĩa anh em, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Đấy cũng là động lực lớn để chúng tôi ở lại, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới”, ông Thơi bồi hồi nhớ lại.
Được sự đùm bọc, giúp đỡ của anh em người Xơ đăng tại chỗ, 60 hộ gia đình với 360 nhân khẩu dân tộc Thái chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, người Thái xứ Thanh đã “cảm hóa” được mảnh đất còn vương mùi bom đạn chiến tranh lúc bấy giờ để xây dựng cơ nghiệp. Đất không phụ lòng người, từ những ruộng lúa bắt đầu cho năng suất cao hơn, những vườn cà phê cho trái trĩu nặng hơn, những ngôi nhà được xây dựng khang trang hơn… đã gắn chặt hơn tình cảm của người con xứ Thanh với mảnh đất này.
Niềm vui nơi quê hương mới
Nhờ cuộc sống ổn định, khấm khá, bà con người Thái dần có điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần, khôi phục lại những mùa lễ hội, những nét đẹp văn hóa truyền thống mà họ mang theo từ vùng quê đã sinh ra mình. Từ tiếng kèn bè của thanh niên trai tráng, những chiếc khăn, chiếc váy thổ cẩm được dệt lên bằng đôi tay khéo léo của người phụ nữ Thái, điệu múa xòe hoa của các bà, các mẹ cho đến những ché rượu nếp cẩm được chuẩn bị kỹ càng để mời khách đến chơi nhà… đã phần nào làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Thay vào đó, là sự gắn bó mật thiết hơn giữa họ với mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Để mỗi người con sinh ra, càng ý thức sâu sắc hơn những giá trị tốt đẹp mà cha anh họ đã mang theo suốt quãng đường vào quê hương Đăk Hà lập nghiệp.
Khi đất trời Tây Nguyên chuyển mùa, đó là lúc nhịp khua luống, tiếng trống, chiêng vang lên gọi mời những chàng trai, cô gái, những người đàn ông, đàn bà, trẻ con thôn Thanh Xuân cùng nhau đi hội.
Anh Hà Văn Thiện, Thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk cho biết: “Hàng năm, nhân dân trong thôn đều tổ chức Tết tập trung giữa các nhóm và thôn tổ chức Tết Nguyên đán tại Hội trường để cùng giao lưu với tất cả bà con nhân dân trong thôn. Tại các ngày Tết, chúng tôi cũng chú trọng tổ chức các hoạt động để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tại địa phương. Như là thành lập các câu lạc bộ về múa truyền thống, câu lạc bộ múa sạp…”
Cũng theo anh Thiện, có một quy ước không thành văn đối với bà con thôn Thanh Xuân là mỗi khi thôn có lễ hội không thể thiếu vắng sự tham gia của bà con dân tộc Xơ Đăng thôn 8 và ngược lại. Tình cảm láng giềng, gần gũi, xem nhau như anh em một nhà được xây dựng từ ngày bà con dân tộc Thái đến định cư ở xã Đăk Ui cũ (nay tách ra thành 2 xã Đăk Ngọc và Đăk Ui). Sự yêu thương, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi từ lúc còn khó khăn đến nay cho thấy sự đoàn kết của các dân tộc tại đây hoàn toàn tự nguyện, không bị ràng buộc bởi 1 quy ước nào mà vẫn bền chặt”, già làng Vi Thanh Sọng tâm tình.
Một mùa Xuân nữa lại về với Đăk Hà. Trên từng mái nhà, trên từng xóm nhỏ, cái tươi mới của thiên nhiên, cùng với cái ấm áp của lòng người đang quyện lại, dệt nên bức tranh mùa Xuân. Trong đó, có những câu hát, điệu múa truyền thống của cộng đồng người Thái tại thôn Thanh Xuân, đã góp thêm những bông hoa tươi thắm, ngát hương, để bức tranh mùa Xuân của vùng quê mới thêm sống động, rạng rỡ.
VĨNH AN
http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/xa-hoi/artmid/619/articleid/50533/nguoi-thai-tren-que-huong-moi-dak-ha