Ấn tượng khi đến vùng đất Kon Tum, đặc biệt là Kon Plông nơi có người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) sinh sống chính là sự khác lạ. Chính sự khác lạ từ tập tục, ăn ở, sinh hoạt… đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo của riêng họ.
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến với thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào thời điểm không khí lạnh đậm đặc bất ngờ chiếm chỗ những ngày nắng đẹp. Trong cái lạnh chưa đủ thời gian để thích ứng đó, sự gần gũi mến khách của người Mơ Nâm thực sự đã xóa đi khoảng cách vùng, miền và cũng đã xua tan làn rét mướt đầu đông.
Theo chân cán bộ văn hóa xã, lời giới thiệu về nét văn hóa đặc trưng của người Mơ Nâm khiến bước chân của chúng tôi thêm phần gấp gáp. Thực sự những thứ như nhà lúa, món mắm Giố, chiếc Tà Vẩu, rượu ghè… đều lạ lẫm với “người miền xuôi” chúng tôi. Nếu như mắm Giố, rượu ghè là đặc sản ẩm thực; Tà Vẩu là nét đặc trưng trong đời sống văn hóa tinh thần thì nhà lúa của người Mơ Nâm lại mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, bởi nó được coi là “ngôi nhà thứ 2” cất giữ “ấm no” của một gia đình.
Kho lúa của người Mơ Nâm được dựng cách xa nhà, trên nương rẫy
Biết chúng tôi ấn tượng với nhà lúa, cán bộ xã dẫn đường men theo Quốc lộ 24, tìm đến già làng A Nuông (65 tuổi, làng Kon Chênh), người hiểu rõ nhất về những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của buôn làng. Trong nếp nhà sàn, già A Nuông không giấu được vui mừng, nói với chúng tôi: “Năm nay gia đình già vui lắm vì được trời thương nên khí hậu, thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu hơn so với năm ngoái. Kho lúa của gia đình già năm này chứa đầy tươm, gia đình không phải lo thiếu gạo trong một năm”.
Theo lời già làng A Nuông, nhà lúa được coi là “ngôi nhà thứ 2” của người Mơ Nâm, là nơi cất giữ lúa gạo, mang lại ấm no cho dân làng. Sự ra đời của nhà lúa đến già làng cũng không thể biết chính xác. Chỉ biết, khi già làng còn là đứa trẻ thì nhà lúa đã tồn tại trong mỗi gia đình, sự ra đời của nó có lẽ gắn với sự ra đời của người Mơ Nâm.
Già làng A Nuông nói về kho lúa của người Mơ Nâm
Nhà lúa được làm tương tự như mái nhà sàn nhưng được thu nhỏ lại, rộng khoảng chừng 5 – 10m2, để đựng vừa những bao lúa mới gặt, thực phẩm dự trữ hay hạt giống chờ đến mùa vụ sau. Vách được làm bằng ván gỗ hoặc tấm liếp nứa đan kín, không để lúa rơi ra ngoài nhưng vẫn giữ được độ thông thoáng. Giữa chân kho lúa được gắn 4 tấm ván tròn hoặc bôi lớp dầu trơn để chuột, sóc không trèo lên cắn phá lúa. Tùy theo lượng lúa thu hoạch của từng hộ gia đình mà mỗi nhà có từ 2 – 3 nhà lúa. Nhà lúa được cất ngay cạnh nhà sàn lớn, cũng có nhiều trường hợp khác dựng ngay trên nương, rẫy.
Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao lại phải làm nhà lúa tách riêng nơi ở, thậm chí nhiều nhà lúa nằm ngay trên nương liệu có bị người xấu phá hoại, mất trộm? Sau làn hơi nóng bốc lên từ chén trà tiếp khách, nụ cười đậm của già làng A Nuông kéo dài ra đầy tự hào. Già nói: “Người dân ở đây ai cũng hiền lành, thiệt cái bụng, ai cũng có kho lúa riêng, ai cũng ấm no nên để lúa ở kho sẽ không ai ăn trộm cả. Lúa ở đây của nhà nào, nhà đó sẽ tự bảo quản, khi ăn hết thì ra nhà lúa lấy về đi máy (đi xay – PV) ra ăn tiếp chứ không mang về nhà nhiều…”. Theo già làng A Nuông, lý do cho lúa “ở riêng” cũng rất đơn giản đó là để đảm bảo an toàn trong trường hợp nấu đồ ăn, đốt củi không may nhà cháy thì sẽ cháy hết, mất hết lương thực.
Cánh đồng lúa chín vàng, tuyệt đẹp của người dân nơi đây
Không chỉ vậy, người Mơ Nâm nơi đây xưa nay tin rằng, mọi vật trên đời này đều có thần cai quản và lúa, kho lúa cũng không ngoại lệ. Cho nên, cứ vào dịp thu hoạch lúa xong, phơi khô và cho lúa nhập kho thì đêm hôm ấy, chủ kho lúa phải mang những hạt lúa thơm ngon nhất nấu lễ và mang con gà trống ra làm thịt để cúng thần. Theo quan niệm của các già làng, việc cúng kho lúa như vậy sẽ mang lại cho gia đình nhiều may mắn và kho lúa sẽ không có kiến, chuột đến phá. Đồng thời việc cúng kho lúa sẽ mang lại cho gia đình nhiều điều may mắn, năm sau mùa màng sẽ bội thu.
Khi được hỏi về phong tục ăn Tết của người Mơ Nâm, già làng A Nuông cho biết trước đây người dân Mơ Nâm không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh mà chỉ tổ chức ăn Tết Chuồng trâu, một lễ hội được tổ chức thường niên, lâu đời vào tháng 3 hằng năm sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây người Mơ Nâm đã nhập Tết Chuồng trâu cùng ngày với Tết Nguyên đán.
Người dân Mơ Nâm cho rằng, con trâu là đầu cơ nghiệp, là loài vật gắn với mảnh ruộng, giúp người đồng bào có cơm no áo ấm. Vào những ngày cuối năm, người dân trong làng ai cũng chuẩn bị gỗ, cây để sửa sang lại chuồng trâu. Chuồng trâu sẽ được xây dựng đơn giản, cách nhà chủ chừng vài trăm mét, để chủ nhà dễ chăm sóc. Sau khi chuồng trâu được sửa xong thì gia chủ sẽ tiến hành cúng. Ai có gà cúng gà, có heo cúng heo và sẽ tổ chức cúng vào đêm 30, cùng với đêm giao thừa. Đặc biệt, sau khi làm gà, heo để cúng thần thì phải giữ lại máu. Máu của con gà, con heo sẽ được đem đi bôi lên đầu con trâu với quan niệm làm như vậy sẽ giúp con trâu khỏe mạnh, không đau ốm, giúp dân làng cày bừa, mùa màng bội thu.
Đối với người Mơ Nâm tại thôn Kon Chênh thì lễ cúng kho lúa và tổ chức ăn Tết Chuồng trâu là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người Mơ Nâm từ bao đời nay. Đây cũng là cách cộng đồng người Mơ Nâm trả ơn loài trâu, trả ơn “thần lúa” đã giúp người dân có cái ăn, no đủ trong dịp tết và cả năm.
Đến với người Mơ Nâm chúng tôi thực sự ấn tượng và bị thu hút bởi vô số điều mới lạ từ những nét văn hóa độc đáo của họ. Chia tay già làng A Nuông và người dân Mơ Nâm đầy bịn rịn, luyến nhớ. Lời hẹn “ngày gặp lại” để một lần nữa được uống rượu ghè rồi ăn cơm với mắm Giố, đắm chìm tiếng Tà vẩu trong lễ hội cồng chiêng của người Mơ Nâm… thực sự níu lòng người giã biệt.
Văn Hà
https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/nha-lua-net-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mo-nam-108270.html